Điện thoại thương hiệu Việt: Vẫn đầy tham vọng
Vân Oanh
![]() |
Khách trải nghiệm những tính năng của Bphone 3 tại buổi ra mắt mẫu điện thoại này vào ngày 10-10 vừa qua tại Hà Nội. Ảnh: Vân Ly |
(TBVTSG) – Mặc dù những mẫu điện thoại thương hiệu Việt Nam hiện còn chiếm phần rất nhỏ tại thị trường điện thoại trong nước, song những diễn biến gần đây cho thấy các công ty nội địa vẫn không ngừng theo đuổi những kế hoạch được các chuyên gia cho là đầy tham vọng khi phải cạnh tranh trực diện với những thương hiệu mạnh của nước ngoài trên chính sân nhà.
Vào ngày 10-10 vừa qua, Bkav tiếp tục cho ra mắt thị trường mẫu điện thoại thông minh Bphone 3 mặc dù tập đoàn công nghệ trong nước này không đạt được thành công như mong đợi với các sản phẩm Bphone 1 và 2 trước đó (chỉ bán được tổng cộng 12.000 thiết bị).
Hơn 500 tỉ đồng cho Bphone
Khi đầu tư vào kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh Bphone, ông Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn công nghệ Bkav, tin rằng Bphone có thể cạnh tranh được với những thương hiệu nổi tiếng của thế giới. Bởi vì, theo Bkav, thì thị trường điện thoại Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất với sức mua mới mỗi năm đạt gần 15 triệu chiếc điện thoại thông minh.
Tính đến nay, Bkav đã đầu tư hơn 500 tỉ đồng cho các hoạt động nghiên cứu và sản xuất mẫu điện thoại Bphone. Mặc dù hai mẫu Bphone 1 và 2 (ra mắt vào năm 2015 và 2017) chưa thành công nhưng ông Quảng không nhìn nhận đó là sự thất bại khi cho rằng “với những sản phẩm đầu tiên làm được như thế là rất ổn”.
Trong chiến lược phát triển Bphone, Bkav đã điều chỉnh chính sách, định hướng để dòng thiết bị này thu hút nhiều người mua hơn trong thời gian tới. Để hiện thực hóa chiến lược này, Bkav đã đưa ra thị trường Bphone 3 với những sự cải tiến về công nghệ và có mức giá bán phù hợp hơn. Nếu hai chiếc Bphone đều hướng đến phân khúc cao cấp thì Bphone 3 nhắm đến phân khúc tầm trung với hai phiên bản được bán với giá 6,99 triệu đồng cho mẫu điện thoại có màn hình Full HD+, camera 12Megapixel, chip Qualcomm Snapdragon 636, Ram 3GB, bộ nhớ trong 32GB, hỗ trợ hai thẻ SIM và 9,99 triệu đồng cho mẫu được trang bị màn hình Full HD+, camera 12Megapixel, chip Qualcomm Snapdragon 660, ram 4GB, bộ nhớ trong 64GB, hỗ trợ hai thẻ SIM.
Nhằm thu hút người dùng bằng công nghệ, ông Quảng cho biết Bkav đã thiết kế Bphone 3 là chiếc điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android đầu tiên trên thế giới có thiết kế tràn đáy. Màn hình của Bphone 3 gần như đã chạm vào phần khung phía dưới của máy, nơi chứa ăng-ten. Đó là một thách thức rất lớn đối với tất cả các nhà sản xuất cả về mặt thiết kế điện tử hay thiết kế cơ khí. Đó cũng là lý do vì sao hầu hết những mẫu điện thoại thông minh trên thị trường hiện nay đều có phần viền ở phía dưới của máy tương đối dày. Do đó, Bkav cho rằng không dễ để có một thiết kế tràn đáy như Bphone 3.
Theo Bkav, camera của Bphone 3 có cấu hình phần cứng tương đương với cấu hình của iPhone X, được tích hợp công nghệ chụp đêm sNight giúp người dùng chụp ảnh ban đêm đẹp hơn, rõ nét hơn. Là nhà sản xuất có xuất phát điểm từ lĩnh vực an ninh mạng, Bkav đã trang bị cho Bphone 3 công nghệ chống trộm ở mức cao.
Bkav cho biết với Bphone 3, ngay cả khi máy đã bị khôi phục cài đặt gốc (factory reset), chủ nhân vẫn có thể thực hiện các thao tác từ xa như định vị điện thoại, chụp ảnh bằng camera trước, camera sau để biết người đang sử dụng máy, ra lệnh khóa máy… Pin của Bphone 3 sử dụng trong 1,5 ngày và máy có thể chống ngấm nước khi ngâm ở độ sâu 1,5 mét trong khoảng thời gian 30 phút nên người dùng có thể quay phim, chụp ảnh dưới nước… Bphone 3 sử dụng hơn 90% số linh kiện từ các nhà cung cấp Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Với Bphone 3, Bkav không chọn cách bán hàng qua mạng hay qua hệ thống của Thế giới Di động như trước đây mà chọn bán tại 300 cửa hàng bán điện thoại trên toàn quốc và chấp nhận bán hàng theo hình thức ký gửi để sản phẩm được đến với nhiều người tiêu dùng tầm trung hơn. Việc bán hàng qua các cửa hàng điện thoại bình thường được Bkav tính toán và cho rằng ở đó Bphone 3 sẽ là sản phẩm hàng đầu.
Ông Quảng cho biết cần phải có một quá trình để tham gia vào thị trường điện thoại và cuộc cạnh tranh trên thị trường nên không thể có kết quả tốt ngay được. Hiện nay, thị trường điện thoại trong nước đã có sự xuất hiện của nhiều thương hiệu lớn và thành công như Apple, Samsung nên để có một chỗ đứng là điều không đơn giản. Song, các doanh nghiệp vẫn có thể tin tưởng về sự thành công nếu có kế hoạch đúng đắn và sự khát vọng dựa trên sự chuyển dịch về thị phần ở các thị trường lớn trên thế giới. Chẳng hạn, ở Trung Quốc vào năm 2015 khi Bkav ra mắt Bphone thì Samsung có thị phần dẫn đầu ở thị trường đông dân nhất thế giới này, nhưng đến nay chỉ chiếm còn khoảng 0,9%. Do vậy, ông Quảng tin rằng Bphone sẽ thành công và chiếm 10% thị trường điện thoại trong nước trong năm năm tới.
“Nếu không có khát vọng và niềm tin người Việt có thể sản xuất được điện thoại cao cấp, không phải xuất phát từ niềm đam mê công nghệ, thì không bao giờ Bkav bỏ ra hơn 500 tỉ đồng vốn tự có để sản xuất Bphone. Người Việt có thể tự hào vì trên thế giới hiện cũng chưa có đến 10 nước có thể sản xuất điện thoại cao cấp có thể làm chủ công nghệ. Bkav đã cho ra mắt Bphone – điều mà không phải công ty nào trên thế giới làm được ở sản phẩm đầu tiên như vậy”, ông Quảng nói.
Là nhà cung cấp chip cho Bkav, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào, Campuchia nhận xét, ông thấy ngạc nhiên khi Bkav không chỉ gia nhập sân chơi sản xuất điện thoại thông minh mà còn có thể đưa ra những thiết kế đột phá, đầy sự sáng tạo như là những thương hiệu lớn trên thế giới. Ông Nam cho biết đã cảm nhận được sự nỗ lực rất lớn của tập đoàn này khi tham gia sản xuất điện thoại thông minh cũng như cách làm bài bản không khác gì những tập đoàn lớn khác.
Asanzo cũng lỗ với điện thoại thông minh
Tháng 8 năm ngoái, Tập đoàn Asanzo Việt Nam đã tham gia thị trường điện thoại thương hiệu Việt bằng việc cho ra mắt hai hai mẫu điện thoại Asanzo Z5 với giá bán 2,99 triệu đồng và Asanzo S5 với giá 4,99 triệu đồng.
Asanzo vốn dĩ là thương hiệu khá quen thuộc với người tiêu dùng các tỉnh với các mặt hàng ti vi và thiết bị điện gia dụng giá phổ thông. Năm 2017, Asanzo đạt doanh thu 4.629 tỉ đồng, trong đó ti vi đóng góp 90% tổng doanh số. Theo hãng nghiên cứu thị trường GfK, đến cuối năm 2017, Asanzo đứng thứ 4 trên thị trường ti vi Việt Nam với mức thị phần 16%, sau Samsung (35%), Sony (25%) và LG (17%). Chính vì có chỗ đứng ở thị trường ti vi nên Asanzo tin rằng sẽ có cơ hội khi sản xuất điện thoại thông minh để bán cho người tiêu dùng ở các tỉnh.
Sau khi giới thiệu ra thị trường hai mẫu điện thoại đầu tiên và tiêu thụ được chưa tới 10.000 chiếc, vào tháng 1-2018 Asanzo tiếp tục ra mắt Asanzo S2 và S3. Chưa dừng lại ở đó, ngày 8-10 vừa qua, Asanzo tiếp tục với chiếc S3 Plus. Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch tập đoàn Asanzo, cho biết S3 Plus được tích hợp nhiều công nghệ mới nhưng chỉ bán với mức giá 2,58 triệu đồng là bởi vì Asanzo chấp nhận tiếp tục bị lỗ ở mảng sản xuất điện thoại để thu hút khách hàng. Sau hơn một năm tham gia thị trường điện thoại đến nay Asanzo đã lỗ hơn 100 tỉ đồng cho mảng này do dòng máy đầu tiên ra mắt thị trường đã phát sinh lỗi phần mềm và cấu hình, tính năng chưa theo kịp nhu cầu của giới trẻ.
Dù vậy, ông Tam cho biết Asanzo sẽ tiếp tục rót vốn đầu tư cho kế hoạt sản xuất điện thoại thông minh, đặc biệt là dòng sản phẩm có mức giá trung bình và phổ thông vốn đang có sự cạnh tranh rất cao trên thị trường trong nước. Đây là thị trường, theo ông Tam, có doanh thu lên đến 7 tỉ đô la Mỹ/năm. Trong khi mảng kinh doanh mà Asanzo đang có lợi thế là ti vi với tổng dung lượng chỉ hơn một tỉ đô la/năm. Do đó, Asanzo nhận thấy có cơ hội thành công khi tham gia vào thị trường điện thoại. Asanzo đang có hệ thống 6.000 đại lý trên toàn quốc và lợi thế này sẽ giúp công ty đẩy mạnh hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh ở tại các tỉnh.
Ngoài Bkav, Asanzo, điện thoại thương hiệu Việt còn gắn với các tên tuổi như VNPT, Mobiistar. Công ty công nghệ VNPT đã tham gia thị trường từ đầu năm 2016 với hai mẫu điện thoại thông minh. Tới giữa tháng 8-2017, công ty này mới tiếp tục cho ra mắt thêm sản phẩm mới và từ đó tới nay không giới thiệu thêm sản phẩm nào nữa. Các mẫu điện thoại thông minh của VNPT mang thương hiệu Vivas Lotus và được bán với giá tầm trung.
Đến nay VNPT cũng không công bố đã có bao nhiêu máy của họ được tiêu thụ. Nhưng theo đánh giá của giới chuyên gia thì số lượng hàng bán được không nhiều bởi vì ngay như Bkav và Asanzo có các chiến lược rầm rộ như vậy mà cũng không tiêu thụ được là bao. Tuy nhiên, điều này không làm nản lòng các công ty trong nước tiếp tục thực hiện những kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh và có công ty còn bày tỏ tham vọng về việc bán nhiều sản phẩm của mình cho người tiêu dùng ở nước ngoài.
Tham vọng ra nước ngoài
Thời gian gần đây, trước sự đẩy mạnh phát triển thị trường của các thương hiệu điện thoại nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc, khiến cho thị phần của các loại điện thoại thương hiệu Việt bị thu hẹp lại.
Bản báo cáo từ Counterpoint Research công bố vào cuối năm ngoái cho thấy, thị trường điện thoại thông minh Việt Nam năm 2017 đã tăng trưởng 11% so với năm 2016. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ các nhãn hiệu điện thoại thông minh nước ngoài, trong đó có của Trung Quốc. Trong khi đó, thị phần của các sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt giảm từ 18% năm 2016 xuống 11% vào năm 2017. Điện thoại thông minh thương hiệu Việt chiếm thị phần lớn ở phân khúc giá khoảng hơn 2 triệu đồng. Ở phân khúc cao cấp sản phẩm Bphone chưa thể cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài như Samsung và Apple.
Ở thị trường điện thoại thông minh Việt nói chung, theo GfK, vào cuối năm 2017 chỉ có Mobiistar là thương hiệu Việt duy nhất có tên trong bảng xếp hạng thị phần. Nhưng mức thị phần mà Mobiistar chiếm được cũng chỉ có hơn 2,9% trong tổng thị phần của thị trường trong nước, tỷ lệ này thấp hơn 4.9% vào cuối năm 2016. Đây cũng là thương hiệu Việt duy nhất còn nằm trong tốp 10 thương hiệu lớn nắm giữ thị phần điện thoại di động tại Việt Nam.
Sau khi đã đạt được sự thành công nhất định ở thị trường trong nước, gần đây Mobiistar đã triển khai kế hoạch đưa sản phẩm sang Ấn Độ vì công ty cho rằng giá bán sản phẩm của mình phù hợp với khả năng tài chính của đa số người tiêu dùng ở thị trường đông dân thứ 2 thế giới này. Tháng 5 vừa qua, Mobiistar đã chính thức đưa sản phẩm giá bình dân sang thị trường Ấn Độ và đến nay đã hợp tác với khoảng 600 đại lý bán lẻ nhằm đưa sản phẩm đến 10 bang tại quốc gia châu Á này. Theo Tổng Giám đốc Mobiistar Ngô Nguyên Kha, hãng điện thoại này mở rộng hoạt động sang thị trường Ấn Độ cũng nhằm mục đích tiếp tục phát triển sản phẩm mới cho thị trường nội địa. Thị trường Ấn Độ lớn gấp nhiều lần so với Việt Nam, tạo cơ hội phát triển sản phẩm tốt hơn cho Mobiistar.
Sở dĩ Mobiistar chọn thị trường Ấn Độ là vì Việt Nam và Ấn Độ có nhiều nét tương đồng. Việc kinh doanh ở hai thị trường này sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Mobiistar, giúp Mobiistar có sản phẩm tốt hơn.
Được biết, Mobiistar đặt mục tiêu vào tốp 5 thương hiệu điện thoại thông minh ở phân khúc dưới 3,3 triệu đồng, phân khúc chiếm đến hơn 60% thị phần bán lẻ truyền thống tại Ấn Độ. Để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc bán hàng qua một nhà bán lẻ trực tuyến lớn tại Ấn Độ, Mobiistar còn thuê khoảng 3.000 nhân viên bán hàng ở các cửa hàng điện thoại tại quốc gia này. Đó là chưa kể đến việc khi tham gia thị trường Ấn Độ, Mobiistar cũng phải cạnh tranh với các thương hiệu điện thoại đến từ Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Oppo…
Giới chuyên gia cho rằng, không thể nói trước được liệu các thương hiệu điện thoại thông minh của Việt Nam như Bphone, Asanzo và Mobiistar có thực hiện được giấc mơ của mình tại thị trường trong và ngoài nước hay không. Nhưng để hiện thực hóa được điều này là điều rất khó khăn và cần sự cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp.
Nguồn: thesaigontimes.vn